Con gái người lính Trường Sa mắc bệnh hiểm nghèo
Sau 16 năm lấy nhau, vợ chồng thượng úy Hoàng vui mừng đón đứa con đầu lòng nhờ thụ tinh ống nghiệm. Nhưng bé gái mới sinh đã thiếu máu, anh chị bán cả nhà lấy tiền chạy chữa cho con mà vẫn chưa phát hiện ra bệnh.
Trong căn phòng trên tầng 6 Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội), thượng úy Phan Văn Hoàng cẩn thận điều chỉnh dây truyền dịch cho con gái Phan Thị Thu Hoài đang ngậm ti mẹ ngủ say. Trên giường bệnh, cô bé hơn một tuổi đã phải trải qua hai lần chọc tủy và 13 lần truyền máu.
Lần truyền máu mới đây nhất ở Viện Huyết học, bé khóc thét lên đau đớn khiến ba mẹ em ngồi cạnh giữ cũng khóc theo con. Cả nhà ra Hà Nội được một tuần nhưng các bác sĩ vẫn chưa thể tìm được bệnh của bé Hoài. Không quen khí hậu, cả mẹ và con đều mệt mỏi, kém ăn.
Chờ vợ con thiu thiu ngủ, thượng úy Hoàng lặng lẽ ra hành lang ngồi một mình. Chiến sĩ hải quân nước da sạm đen vì nắng gió giữ khuôn mặt bình tĩnh suốt cuộc trò chuyện, chỉ đôi lần anh nhoẻn miệng cười khi nói về con, rồi lại ngậm ngùi lúc nhắc tới sự hy sinh, cam chịu của vợ - chị Ngô Thị Hằng (37 tuổi).
|
Để con gái ngon giấc, anh Hoàng chốc chốc lại theo dõi chai dịch truyền. Ảnh: Bình Minh. |
Năm 1996, anh làm đám cưới với cô bạn gái cùng xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Hai năm sau, vợ chồng anh chuyển vào Cam Ranh (Khánh Hòa) theo phân công của đơn vị. Năm 2000, anh bắt đầu ra đảo công tác, còn chị ở nhà tần tảo buôn bán và lo toan công việc gia đình hai bên. Sau hơn một năm sống trên đảo, anh lại được chuyển về đất liền chừng ấy thời gian rồi lại ra ngoài đó công tác. Lấy vợ 16 năm thì anh đã có 6 năm ở ngoài đảo.
Chừng ấy thời gian chung sống là chừng ấy năm vợ chồng anh chạy chữa từ Bắc vào Nam chỉ mong có một mụn con. Làm được đồng nào, vợ chồng lại tích cóp để chạy chữa. "Vái tứ phương" đến lúc hết tiền, chị Hằng lại về chạy chợ kiếm tiền để đi chữa chỗ khác. Chữa trị không có kết quả, vợ chồng anh tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Quyết tâm có con, hai vợ chồng vay mượn để vào Sài Gòn thụ tinh. Mỗi lần riêng tiền cấy phôi đã là 19 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc, ăn, ở. Mỗi mũi tiêm trung bình 1,5 - 3 triệu đồng, đắt nhất là 6 triệu đồng. Có lần, sáng hôm sau là tới kỳ cấy phôi mà cả nhà chỉ còn 2 triệu đồng. Không người quen ở Sài Gòn, anh đành phải gọi điện từ đảo về vay tiền anh em, bạn bè ở quê cho vợ đến viện. Tổng cộng ba lần cấy phôi đã ngốn hết 200 triệu đồng.
Ròng rã suốt một năm, chị Hằng sống ở viện nhiều hơn ở nhà. Thấy vợ quá mệt mỏi và chán nản, anh Hoàng phải liên lục gọi điện động viên, an ủi. Vốn khỏe mạnh nhưng mãi không có con lại suy nghĩ nhiều nên chị đâm ra hay ốm yếu. Chỉ cần ai đó nói chạm tới thiên chức làm mẹ, chị đã chạnh lòng và tủi thân khóc.
"Là phụ nữ khi lấy chồng, ai cũng muốn có con. Chiều đến thấy con nhà hàng xóm khóc, khao khát trong cô ấy lại trỗi dậy. Tôi đi công tác xa, vợ ở nhà có đứa con cũng đỡ buồn tủi. Nhiều lúc nghĩ thương vợ vô cùng", anh Hoàng tâm sự.
Kiên trì và cố gắng, đến lần thứ ba, anh chị hạnh phúc khi biết mình sắp lên chức. Nhưng không giống như sinh tự nhiên, khi mang bầu, chị phải kiêng cữ rất cẩn thận và chỉ nằm một chỗ. Suốt nhiều tháng, anh ở bên và chăm sóc vợ.
Ngày chị Hằng sinh, anh ở ngoài đảo và hồi hộp chờ tin tức từ người nhà. Vợ sinh mổ, anh chỉ chuẩn bị được vài triệu và lại gọi điện thoại "chỉ đạo" người thân vay mượn thêm tiền. 20h tối, con gái anh chào đời. Anh dự định hôm sau làm vài mâm cơm mời anh em, bạn bè mừng mình lên chức bố.
"Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, danh sách những người giúp đỡ đã lên thì 24h đêm tôi nhận được điện thoại về tình trạng thiếu máu rất nguy hiểm của con. Tôi cố gắng bình tĩnh, không tiết lộ cho mọi người ở đơn vị để mọi thứ hôm sau vẫn diễn ra bình thường", thượng úy Hoàng chia sẻ.
Ba ngày sau, đơn vị trong đất liền gọi điện ra đảo báo tin, mọi người mới biết hoàn cảnh của anh Hoàng. Nhiều người trách anh có trái tim thép, "con như thế mà vẫn cười nói" nhưng anh chỉ bảo, "buồn cũng không làm được gì, phải cứng rắn rồi mọi chuyện sẽ giải quyết được".
Chiến sĩ hải quân tâm sự, bản lĩnh người lính rèn cho anh sự bình tĩnh và mạnh mẽ. Ở vào hoàn cảnh đó, anh không thể ngồi khóc lóc, đau buồn để sinh ốm đau, khổ vợ và ảnh hưởng tới đơn vị, nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi đêm về, anh mới "dám" buồn, nghĩ ngợi và khóc.
"Tôi xác định, nếu số con ở được với mình thì hạnh phúc còn không thì phải chấp nhận. Dù cứng rắn tới mấy, lúc chỉ có một mình, nghĩ thương vợ, tội con, tôi đã khóc", anh Hoàng nói rồi hướng ánh mắt về phòng nơi vợ con đang nằm.
|
Bé Hoài không ăn được gì ngoài bú sữa mẹ. Ảnh: Bình Minh. |
Từ khi sinh ra, bé Hoài cùng mẹ phần lớn ở trong viện, hết bệnh viện ở Cam Ranh đến Sài Gòn. Mỗi tháng, bé đi truyền máu một lần. Nếu không được truyền, bé sẽ mệt mỏi, da xanh - vàng. Chuyển hết viện này đến viện khác nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra bệnh của bé. Xót con và cũng muốn biết bệnh để điều trị, vợ chồng anh Hoàng đưa bé ra Viện Huyết học ở Hà Nội.
Nhắc đến vợ, thượng úy Hoàng xúc động cho biết, anh phục chị ở tính đảm đang, chịu khó và cảm thông với công việc của chồng. Trước khi đến với nhau, hai người từng là bạn bè nên hiểu rõ tính cách. Lấy nhau không có con, gia đình anh từng ép anh bỏ vợ để lấy người khác.
"Gia đình phong kiến, bố tôi lại khó tính, không cho xin con nuôi và muốn con trai lấy vợ khác. Tôi cương quyết nói đây là chuyện riêng và đã là vợ chồng thì cùng phải chia sẻ", anh Hoàng cho hay.
Đã vài lần trong lúc tủi thân, chị Hằng khuyên chồng nên đi lấy vợ khác. Hiểu suy nghĩ của vợ, anh lại động viên để chị vững vàng. Suốt thời gian chạy chữa để có con, đến giờ, gia tài lớn nhất của vợ chồng anh là bé Hoài. Nhà cửa và đồ đạc trong nhà chẳng còn gì nhưng để có con và con được sống, anh chị vẫn quyết tâm.
"Nhà cũng bán rồi. Giờ ở nhà trọ chỉ có một cái giường và mấy cái xoong để vợ chồng nấu ăn thôi. Vay quá nhiều giờ vợ chồng tôi chẳng dám vay lãi nữa vì lấy đâu mà trả. Chuyến ra Hà Nội, nhờ sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, anh em, bạn bè và đơn vị tạo điều kiện, tôi mới có tiền đưa con đi viện", người lính đảo nói.
Giờ đây, mong muốn lớn nhất của vợ chồng anh Hoàng là biết chính xác bệnh tình của con để chữa bệnh cho cháu. Dù đã hết đợt nghỉ phép, anh vẫn xin đơn vị ở thêm vài ngày để biết kết quả xét nghiệm tủy của con gái.
Bình Minh
Thông tin nhân vật