Denim là chất liệu vải được nhắc đến nhiều nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Trải qua thời gian và sự biến đổi không ngừng của thời trang, những trang phục denim vẫn chứng tỏ sức sống bền bỉ và mãnh liệt của mình. Vậy thực ra "Denim" là gì và phong cách "Denim" bắt đầu từ đâu?
Nguồn gốc tên gọi “Denim”
Denim là tên một loại vải được dệt chéo sợi, trong đó những sợi ngang được dệt dưới 2 hoặc nhiều lớp sợi dọc. Denim truyền thống có màu xanh nước biển do được nhuộm từ bột chàm.
Denim được người Mỹ sử dụng từ cuối thế kỉ XVIII. Lý giải cho tên gọi “denim”, người ta cho rằng nguồn gốc của cái tên này là từ tên một loại vải có kết cấu chắc chắn gọi là "serge", được sản xuất bởi gia đình Andre tại vùng Nimes, Pháp. Vì vậy, mọi người thường gọi loại vải đó là "serge de Nimes", sau đó đã được thu gọn lại thành “denim” và tên gọi đó đã tồn tại đến bây giờ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng vải denim xuất phát từ vùng Genoa, nước Ý (tiếng Pháp viết là Genes). Nơi này khẳng định họ đã sản xuất những trang phục jeans cho các thủy thủ và ngư dân từ năm 1500. Và mặc dù ban đầu mang màu nâu, cuối cùng màu chàm mới trở thành màu đặc trưng của chất liệu này và được biết đến với tên gọi “Bleu de Genes” hay còn gọi là “màu xanh jeans/ màu xanh denim”.
Denim – Biểu tượng của sức mạnh bền bỉ
Với ưu điểm bền chắc và giá thành rẻ, chất liệu denim đã nhanh chóng phổ biến khắp châu Âu và “lan tỏa” cả sang Mỹ. Vào thế kỉ XIX, denim được coi là loại vải dành cho người lao động và biểu hiện của sự bền bỉ và mạnh mẽ. Kết cấu của chất liệu này rất chắc và nó có thể được mặc trong suốt nhiều năm bởi những người công nhân, thợ mỏ, ngư dân, cao bồi,… vì nó phù hợp với công việc đòi hỏi di chuyển nhiều và nặng nhọc của họ.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho vị trí của denim và jeans vào thời kỳ đó không được đánh giá cao như những loại vải khác. Thậm chí, trong mắt đa số người Mỹ. denim và jeans chỉ dành cho tầng lớp lao động hoặc các thanh niên hư hỏng. Trang phục denim chỉ thực sự bắt đầu được coi trọng và được chú ý khi Levi Strauss bắt đầu sản xuất những chiếc quần jeans dập đinh tán mã hiệu 501 vào những năm đầu thế kỉ 20.
Các ngôi sao điện ảnh một thời trong những chiếc áo khoác denim mạnh mẽ
Những chiếc áo khoác denim đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1905, và nó được coi là “người bạn đồng hành” của những chiếc quần jeans bụi bặm. Đó là những chiếc áo khoác mã hiệu 506XX của Levi’s, và nó chỉ được coi là “áo” mãi cho tới cuối những năm 1930, khi chính thức xuất hiện trong catalog của hãng với tên gọi “áo khoác”.
Trong những năm 50, denim trở nên phổ biến trong giới trẻ. Việc mặc một chiếc jacket denim kết hợp cùng sơ mi kiểu oxford được coi là style “chuẩn mực” vào thời gian đó. Nó là biểu tượng của sự phá cách và nổi loạn tuổi thanh niên trong những bộ phim và chương trình truyền hình, với hình ảnh “huyền thoại” James Dean trong “Rebel Without A Case”. Thậm chí một số trường học ở Mỹ đã phải cấm học sinh mặc đồ denim tới lớp.
Mặc dù phát triển mạnh mẽ vào thập niên 60, 70 với nhiều kiểu dáng khác nhau, và trở thành một “cơn sốt” trong những năm 1980 khi chính thức “đặt chân” vào thế giới thời trang cao cấp với việc xuất hiện trong các thiết kế của Gucci, nhưng đến những năm 1990, trang phục denim lại không còn được giới trẻ yêu thích, bởi lẽ đơn giản chúng không muốn mặc giống những trang phục mà bố mẹ mình vẫn ưa chuộng sử dụng vào thời kỳ đó. Denim vẫn là sản phẩm thông dụng, nhưng chúng thường được tìm thấy ở các khu chợ và các cửa hàng “second-hand” thay vì các hãng đồ hiệu. Levi Strauss & Co., nhà sản xuất đồ jeans hàng đầu thế giới đã phải đóng cửa 11 nhà máy do sự sụt giảm đột ngột về nhu cầu tiêu thụ.
Các ngôi sao Hollywood giờ đây đã quay trở lại ưa chuộng áo khoác denim
Tuy nhiên, cũng giống như đặc tính bền bỉ của mình, vải denim đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ và luôn song hành cùng thời trang. Và vì thời trang luôn là một cuộc hành trình vòng tròn lặp lại và phát triển không ngừng, denim đã có cuộc “tái ngộ” đầy ngoạn mục với những biến tấu vô cùng đa dạng. Ta có thể kể tên hàng loạt thương hiệu lớn đã đồng loạt sử dụng chất liệu denim trong các BST của mình như Diesel, Rock & Republic, Dior, Chloe, Versace, Dolce & Gabbana,…
Áo khoác denim – Khẳng định cái tôi cá tính
Áo khoác denim có thể coi là một trang phục cơ bản và cổ điển. Hầu hết mọi người đều sở hữu ít nhất một chiếc áo khoác denim trong tủ quần áo. Chính tính linh hoạt là nguyên nhân dẫn tới sự “thành công” của áo denim, bởi nó dễ dàng kết hợp với nhiều loại trang phục, phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, mọi phong cách và ít bị lỗi mốt.
Tùy vào sở thích và gu thẩm mỹ của mỗi người, một chiếc áo khoác denim có thể trở nên cực kỳ thoải mái đơn giản, nhưng cũng có thể vô cùng sành điệu và thời thượng. Đó là sự gợi ý hoàn hảo cho tiết trời vào thu hay đầu đông hơi se lạnh nhưng vẫn còn chút nắng ấm áp.
Áo khoác denim được điểm danh là một trong những 'must-haves item' của mùa thu đông năm nay. Áo denim 2012 xuất hiện với một diện mạo hiện đại và cá tính hơn trước đây rất nhiều. với những thiết kế mới mẻ , trẻ trung và đầy phá cách như dạng áo lửng hoặc khoét vai. Mùa thu đông năm nay, những chiếc áo denim màu bạc hoặc màu xanh denim truyền thống hứa hẹn sẽ là 2 gam màu rất được ưa chuộng.
Một chiếc áo khoác jeans với sự biến hóa trong cách mix đồ có thể theo bạn đi bất cứ đâu. Từ những buổi họp văn phòng, những buổi dạo chơi đầy lãng mạn cho tới party nghịch ngợm
Quần jeans, áo pull đơn giản và một chiếc áo khoác denim - thanh lịch vừa đủ và cá tính vừa đủ, phù hợp để đi bất cứ đâu như một lựa chọn an toàn cho các cô nàng thời trang.
Khoác lên mình bộ váy dài thướt tha, thêm một chiếc áo khoác denim ngọt ngào lạ lẫm là đã đủ cho mùa thu lãng mạn.
Sự phá cách giữa vẻ mạnh mẽ và nữ tính khi kết hợp áo denim với váy hoa
Sự kết hợp giữa áo khoác denim với váy liền tạo nên một vẻ đẹp vừa cá tính vừa nữ tính, rất hiện đại
Khoác denim kết hợp với váy maxi dài là trào lưu cực hot
Cùng với xu hướng áo khoác dáng lửng lên ngôi trong thu đông 2012 thì một chiếc áo khoác denim lửng quả thật đáp ứng được nhu cầu của các tín đồ thời trang sành điệu
Bên cạnh denim màu bạc phủi bụi thì denim xanh dương lại mang đến vẻ đẹp có phần cổ điển hơn
Source : eva[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét