Vén màn hậu trường những show thời trang lớn
Việc tổ chức một fashion show không chỉ là kiếm vài thiết kế mới và mời những cô nàng chân dài đến trình diễn. BTC còn phải đau đầu chuẩn bị tài chính, địa điểm cũng như vô vàn việc hậu trường.
Tổ chức một fashion show không chỉ là kiếm vài thiết kế mới và mời những cô nàng chân dài đến trình diễn. |
Một show thời trang thường quy tụ nhân lực từ vài chục tới vài trăm người, diễn ra với tiết tấu nhanh, vì thế, để có một show diễn hoàn hảo, lung linh, không có chỗ cho những sai phạm dù là nhỏ nhất. Một show diễn thành công phải được lên kế hoạch và vận hành cực kỳ cẩn thận trong từng chi tiết. Tuy nhiên, có thể kể đến những điều đã được các hãng thời trang tên tuổi thuộc nằm lòng, cũng như vận dụng một cách hoàn hảo.
Chuẩn bị sẵn sàng về tài chính
Ngoại trừ yếu tố nghệ thuật, tài chính là một nhân tố vô cùng quan trọng để tổ chức fashion show. Tùy vào quy mô của buổi biểu diễn, các hãng thời trang sẽ bỏ ra những số tiền khác nhau. Tại Milan, New York hay Paris, những kinh đô của làng thời trang thế giới, 100 nghìn USD là con số tối thiểu. Với những thương hiệu lớn, kinh phí được duyệt thường lên đến 7 con số. Vào mùa thời trang thu – đông 2012, hàng Dior đã chi ra đến 5 triệu USD cho các buổi giới thiệu thiết kế mới của mình.
Đây có thể là con số rất lớn, nhưng chẳng phải quá nhiều nếu tính đến những khoản phải chi, từ đội ngũ sản xuất, ekip truyền thông, thuê nơi tổ chức, trang thiết bị, chi phí khách mời, cát-xê cho đội ngũ người mẫu, âm nhạc… và rất nhiều những chi phí không tên khác.
Chuẩn bị trước trong một thời gian dài
Việc thuê địa điểm cần được tiến hành sớm, nếu các hãng muốn có được nơi tổ chức show diễn như ý. |
Dù việc tổ chức fashion show năm nào cũng có và mỗi năm vài lần, những việc chuẩn bị vẫn phải được diễn ra ít nhất là 6 tháng trước đó. Hãng thời trang Chanel khi chuẩn bị cho show xuân -hè đã tìm đến nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp để đưa ra ý tưởng cho buổi trình diễn cũng như khả năng tài chính trước đúng nửa năm. Bên đối tác sẽ dựa theo đó để lên kịch bản khung. Sau khi cả 2 thống nhất thông qua, ban tổ chức và cả nhà thiết kế mới thực sự bắt tay vào quá trình chuẩn bị.
Những ai tham gia vào fashion show?
Show diễn thời trang không chỉ có người mẫu và nhà thiết kế |
Khán giả đơn giản chỉ nghĩ một buổi trình diễn thời trang không thể thiếu các cô người mẫu xinh đẹp, những nhà thiết kế tài ba và những ngôi sao nổi tiếng trên hàng ghế khách mời. Nhưng thực tế, để một show có thể vận hành trơn tru cần có sự góp mặt của rất nhiều các nhân vật khác. Trong đó, những nhân vật quan trọng như stylist, nhà thiết kế nội thất, nhiếp ảnh gia, nhà chỉ đạo sản xuất, đội ngũ phụ trách âm thanh, ánh sáng sẽ là những gương mặt được “đặt hàng” từ rất sớm, ngay sau khi kế hoạch được thông qua.
Nhân vật quan trọng nhất trong show diễn
Nhà sản xuất phải chỉ đạo các công đoạn từ A- Z, từ việc lớn như thuê địa điểm, đến việc nhỏ như đảm bảo những chiếc ghế ngồi cho khách đều phải thật chắc chắn |
Trong một show diễn, người đóng vai trò tối cao, có thể đưa ra quyết định cuối cùng là nhà thiết kế hoặc công ty thời trang. Giám đốc nghệ thuật là người trực tiếp nhận điều hành để đáp ứng yêu cầu của nhà thiết kế. Dưới giám đốc nghệ thuật sẽ là nhà tổ chức. Đây có thể coi là nhân vật vất vả nhất trong một show diễn, khi phải bao quát hầu hết các vấn đề xảy ra.
Những nhà tổ chức sẽ có các “tướng lĩnh” phụ trách từng mảng chuyên biệt, như giám đốc truyền thông (phụ trách vấn đề quảng bá, khách mời, chỗ ngồi), nhà trang trí nội thất (phụ trách trang trí sân khấu, không gian), âm thanh, ánh sáng (DJ, hệ thống âm thanh, đèn…), stylist (lên ý tưởng tóc, trang điểm, phối đồ, lựa chọn đồ cho người mẫu, thay đồ cho người mẫu…), nhiếp ảnh gia (chụp hình quảng bá)… Kèm theo những vị trí nhân sự trên là một lực lượng hùng hậu các trợ lý.
Bên trong hậu trường, nhìn thoáng qua có vẻ rất phức tạp, nhưng thực tế, mọi việc đã được sắp xếp một cách tỉ mỉ và cẩn trọng. |
Mọi việc cần phải diễn ra một cách bài bản và phối hợp nhịp nhàng. Đơn giản như người phụ trách giúp các người mẫu thay đồ, công việc của họ là ủi đồ cho thật phẳng, sắp xếp đồ theo đúng thứ tự trình diễn của các chân dài, mở sẵn khóa, chuẩn bị sẵn trong túi vài chục chiếc kim băng để ứng phó trong các trường hợp cần thiết.
Người đạo diễn/ chỉ đạo sản xuất là nhân vật quan trọng xuyên suốt show diễn |
Khi show diễn bắt đầu diễn ra, tâm điểm của khán giả là những cô gái chân dài xinh đẹp, nhưng với đội ngũ nhân viên, người quan trọng nhất chính là nhà tổ chức sản xuất – nhân vật phải bao quát tất cả các khâu và là người điều phối giữa các bộ phận. Do đó, thù lao cho nhân vật này cũng không hề nhỏ. Với những show thời trang quy mô, các nhà thiết kế thường phải trả không dưới 500 nghìn USD cho khâu tổ chức, và nhà tổ chức sản xuất thường nhận con số từ 50 đến 70 nghìn tùy theo năng lực, tên tuổi cùng một số yếu tố khác.
Ở những show lớn tại các kinh đô thời trang, những tên tuổi như Gucci, Dior, Guess… thường mời những nhà sản xuất có uy tín và thù lao thường vượt ngưỡng 100 nghìn USD. Những nhân vật tên tuổi trong lĩnh vực này như Shannon Davidson, Bureau Betak luôn được tín nhiệm. Tuy nhiên, có những hãng thích sử dụng “cây nhà lá vườn” như Chanel. Karl Lagerfeld – giám đốc sáng tạo của hãng – thường là người chịu trách nhiệm tối cao, bao gồm cả việc đạo diễn nghệ thuật và chỉ đạo sản xuất cho các show diễn quan trọng của hãng.
Chuẩn bị chủ đề cho đêm diễn
Các buổi và phần trình diễn của Victoria Secret đều có chủ đề riêng biệt, nổi bật |
Một bộ sưu tập bao giờ cũng cần có chủ đề, và chủ đề này sẽ chi phối đại đa số các yếu tố, từ âm thanh, ánh sáng, âm nhạc đến đội ngũ người mẫu. Yếu tố chủ đề có thể thấy rõ qua những đêm diễn đẳng cấp, ví như “bữa dạ tiệc thời trang” của Victoris’s Secret. Nếu những bộ sưu tập nội y có chủ đề Giáng sinh mà sân khấu thiếu hình bóng của cây thông xanh, một chút sắc đỏ hay màu trắng của tuyết, thì chắc chắn đêm diễn sẽ giảm điphần nào độ hấp dẫn. Cũng tùy vào chủ đề, mà các nhà thiết kế hoặc người tổ chức sẽ chọn ra gương mặt người mẫu thích hợp.
Việc lựa chọn số lượng trang phục biểu diễn trong một show diễn cũng là quyết định quan trọng không kém. Quá nhiều sẽ khiến chương trình bị loãng, quá ít thì bị chê thiếu sáng tạo. Trong một show diễn lớn tại New York hay Paris, số bộ trang phục được lựa chọn để giới thiệu thông thường là 50, lựa chọn trên tiêu chí những thiết kế đặc sắc nhất, có sự đồng điệu, dễ dàng phối kết hợp để nổi bật chủ đề của đêm diễn. Những thiết kế có sắc màu tương tự, hoặc chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ… thường sẽ không được giới thiệu tại bộ sưu tập.
Q.N
Theo Infonet
Xem thêm: Phía sau sàn catwalk, Victoria's Secret
Tin tức gần đây
Source : news[dot]zing[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét